Thành Tiền | 0VNĐ |
---|---|
Tổng Tiền | 0VNĐ |
Cách nay chưa lâu, tình cờ lướt web thấy tấm hình đẹp của ai đó đăng lên, nhân một giải Taekwondo Thế giới.
Cách nay chưa lâu, tình cờ lướt web thấy tấm hình đẹp của ai đó đăng lên, nhân một giải Taekwondo Thế giới.
Cái đẹp ở đây nhờ những dòng chữ ghi chú bên dưới làm lay động lòng người. Đó là hình ảnh một vận động viên sau khi đạt kết quả cao nhất, nhận huy chương xong, vội chạy lên khán đài cúi đầu chắp tay vái lạy người thầy đầu tiên của mình cũng có mặt trong buổi diễn ra giải đấu hôm ấy, trong vai trò là một khán giả.
Tôi chợt nhớ ra một “chủ đề” đã từ lâu định viết. Xuất phát từ nhiều câu hỏi và tranh luận của nhiều bạn khác nhau, nhưng tất cả các cuộc tranh luận đều có cùng chung sự ngộ nhận!
Thói thường khi người ta đã qua sông ít ai nhớ đến người đưa đò! Hay có một câu ví von trong một thành ngữ của Việt Nam là “thấy người sang bắt quàng làm họ”!
Cần khẳng định rằng, trong quá trình tạo nên một sự nghiệp nào đó, người ta thường trải qua khá nhiều giai đoạn, đồng nghĩa với nhiều người hướng dẫn, dạy bảo, mà đời (xã hội) gắn cho những vị đó danh xưng là thầy. Trong võ thuật thời nay cũng vậy.
Tại sao tôi lại nói “võ thuật thời nay”?
Bởi ngày xưa, võ thuật thường là mang tính tộc truyền, gia truyền hay bí truyền, mật truyền… Nghĩa là chỉ một người dạy xuyên suốt từ khi nhập môn (bước vào học) đến khi “xuống núi”, nghĩa là hết chương trình và ra đời hành võ.
Ngày xưa lại không có trường dạy võ. Ngoại trừ thời kỳ “võ thuật hoàn bị” của 2 đời nhà Lý và nhà Trần (1010- 1341) mới có trường dạy võ, nhưng trường dạy võ chỉ dạy cho hàng vương tôn hoặc quan binh trong triều.
Đến khi bước vào thời kỳ xã hội phát triển và hội nhập, thì võ thuật không còn mang tính truyền thụ trong phạm vi hạn hẹp nữa, mà trở thành phong trào xã hội hóa như một môn thể thao. Qua đó, chương trình được minh bạch và chia ra từng giai đoạn, từng cấp học, được nhiều người phụ trách theo các giai đoạn.
Hoặc cũng có thể do sự lựa chọn của người học (chọn thầy để học). Điều này ngược lại thời xưa là thầy chọn trò để dạy.
Từ sự đổi thay này dẫn tới việc một người khi trưởng thành trong võ thuật thường trải qua nhiều thầy dạy.
Do vậy người ta thường ngộ nhận (có thể vô tình do không biết, hoặc cố tình), khi chỉ nhận người đang dạy mình hoặc người thầy đang nổi tiếng, hay người vừa giúp mình bước lên đỉnh vinh quang, thì cho rằng đó mới là thầy mình!
“Một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy”.
Ai dạy mình dù nhiều ít thì đều là thầy mình, điều này không sai. Tuy nhiên khi tự nhận, tự giới thiệu hay trả lời câu hỏi của ai đó, thì người được nhắc tới là thầy mình chính là người đầu tiên khai mở cho mình về lĩnh vực này. Để, từ chỗ KHÔNG BIẾT GÌ, đến hiểu biết về nền tảng căn bản, rồi từ cơ sở vững chắc đó mà ta trưởng thành và tiến lên được đỉnh vinh quang..
Đó mới là người biết trọng nghĩa ân.
Tất nhiên không loại trừ trường hợp xảy ra tình huống (hỏi-đáp) trong hoàn cảnh nào mà trả lời sao cho trọn vẹn.
Dân gian thường mỉa mai những kẻ vong ân bội nghĩa khi: ở đâu cũng chỉ biết đến cái vinh quang hiện tại mà quên đi cái giá trị ban đầu, thậm chí có người còn không nhìn nhận người đầu tiên khai tâm cho mình là thầy mình, bằng câu “loại người qua cầu rút ván”!
Là một võ sĩ đạo, chớ nên để người đời cười chê như vậy.
Võ sư Châu Minh Hay